Thứ 5, 07/11/2019Tin tức tập đoàn

HÃY ĐẶT TAY LÊN NGỰC TRÁI

     Nói về sự ra đời của Bamboo Airways, thời khắc mà tôi cảm thấy đáng nhớ nhất là ngày 8/11/2018, Chính phủ đồng ý chủ trương, ngày 12/11/2018 Bộ Giao thông Vận tải cấp phép vận chuyển hành khách. Không chỉ với riêng tôi mà với tất cả nhân viên Bamboo Airways, phi công, tiếp viên, kỹ sư, anh em quản lý, hàng nghìn người xúc động trong giây phút đó vì họ đã chuẩn bị và chờ đợi trong cả năm trời.

     Tôi bắt đầu với hàng không bằng cả kỷ niệm tuổi thơ và con mắt của người làm kinh doanh. Từ thủa lên 10, khoảng 1985, lúc đó có đứa trẻ con nào không mê máy bay đâu. Quê tôi lại ở Vĩnh Phúc, gần sân bay Nội Bài nữa chứ. Cứ mỗi lần nghe thấy tiếng bay ù ù là cả lũ trẻ con chạy ra ngửa cổ lên trời. Thậm chí từ lúc mới thấy tiếng mà chưa thấy hình. Đứng nhìn mãi đến khi nào vệt khói trắng tan đi mới thôi. Nhưng lúc đấy chưa biết thế nào là được đi máy bay cả, chỉ ước được ngồi trên đó thôi. Chưa dám nói là làm tiếp viên hay phi công, chỉ cần là hành khách đã thích rồi. Có khi cả buổi nghĩ về cảm giác ở trên đó, chắc êm vì không xóc như đường làng quê tôi.

     Đến năm 19 tuổi thì ước mơ thành hiện thực. Đó là chuyến bay một chiều từ Sài Gòn ra Hà Nội. Lúc vào làm gì có tiền. Phải đi xe khách. Sau một năm đi học, kiếm tiền mới quyết định đi máy bay một lần cho biết. Tôi không nhớ gì nhiều cho chuyến đi đó. Nhưng sung sướng thì nhớ mãi. Tôi còn giữ cái vé suốt mấy năm học đại học, cất gọn nó trong ví, thỉnh thoảng bỏ ra khoe đám bạn và hầu hết đều rất ghen tị.

     Chuyến bay ấy đưa tôi trở ra Hà Nội để ôn thi vào trường Đại học Luật Hà Nội. Có thanh niên nào mới lớn mà không mơ được bước chân vào giảng đường đại học? Tôi tốt nghiệp cấp ba từ 2 năm trước nhưng hoàn cảnh gia đình khó khăn nên một cậu học sinh như tôi chưa thể đi học tiếp được. Tôi đành phải vào Sài Gòn, ban đầu là học nghề, sau là xin làm việc cho một cửa hàng điện tử, vừa kiếm tiền nuôi thân, vừa tích cóp chút tiền ăn học sau này. Một năm sau tôi trở ra, tìm đến Đại học Luật để xin vào lớp ôn thi do nhà trường tổ chức. Đi học đối với tôi là mệnh lệnh tự thân. Quê tôi vốn chuộng sự học, cho nên dù thế nào tôi cũng phải vào học tiếp, nếu không phải là đại học thì tôi cũng sẽ thi bằng được vào một trường trung cấp hay cao đẳng nào đó. Kết quả thi đại học năm đó tôi đỗ vào Đại học Luật Hà Nội với số điểm đủ để có học bổng.

     Cho đến bây giờ tôi vẫn không thể nào quên được cái cảm giác được trở thành sinh viên trường Luật. Gia đình tôi tổ chức tới 40 mâm cỗ để khao cả làng và họ hàng nội ngoại. Cánh cổng trường Luật khi ấy vô cùng thiêng liêng đối với tôi, đặc biệt là ký túc xã trường Luật như một khách sạn 5 sao lung linh ánh điện mỗi đêm về là điều khao khát của tôi. Hai mươi tuổi tôi trở thành sinh viên năm thứ nhất, lớn hơn các bạn vừa tốt nghiệp phổ thông một chút, hai phần ba thành viên trong lớp gọi tôi bằng anh. Trường Luật thuộc top trường hot nhất lúc bấy giờ, tôi luôn cảm thấy trong mình có một niềm tự hào thầm kín mỗi khi sang các trường bạn như Bách khoa, Tổng hợp, Sư phạm, Ngoại thương chơi. Trước mặt sinh viên các trường khác, tôi luôn cảm thấy tự tin và kiêu hãnh rằng, tôi là dân trường Luật!

     Các thầy cô giáo trường Luật cũng gây cho tôi ấn tượng mạnh về sự lịch lãm, sang trọng và cả… giàu có nữa. Ngày ấy nhìn thầy Hiến - Hiệu trưởng tôi ngưỡng mộ vô cùng. Thầy vừa có cái oai phong của nhà quản lý, vừa có sự uyên bác, trí tuệ của một trí thức ngành luật, mỗi khi thầy tiếp các đoàn khách nước ngoài đến làm việc với nhà trường, ở thầy toát ra sự tự tin, đĩnh đạc, mực thước rất… Tây học. Nhiều lúc đi sát Hiệu trưởng mà tôi cảm thấy e ngại không dám nhìn thẳng vào thầy. Tôi cũng giống như đa số sinh viên thủa ấy, đều “sợ” thầy Hòa, thầy Thìn vì các thầy rất nghiêm. Thầy Phan Chí Hiếu thì rất nhiệt tình hướng dẫn tôi trong các hoạt động nghiên cứu khoa học của sinh viên. Môn triết học vốn là môn “khó nhằn” nhưng cô Dung lên lớp rất có phương pháp sư phạm, làm cho bài giảng trở nên sinh động và không nhàm chán. Cô Quyên chủ nhiệm lớp rất nhiệt tình, lại còn… xinh đẹp nữa. Khi tôi vào trường thì anh Lê Đình Vinh khóa 15 vừa được giữ ở lại trường làm giáo viên. Anh Vinh đồng hương Vĩnh Phúc với tôi. Anh em có chơi với nhau và trong con mắt tôi ngày ấy anh là một tấm gương về sự học giỏi, thành tài và được nhà nước trọng dụng. Tôi chỉ mơ sau này ra trường, được về huyện nhà, xin vào làm ở cơ quan Tòa án hay Viện kiểm sát nào đấy. Hình ảnh một kiểm sát viên hay một thẩm phán quả thực rất đẹp, nhiều sinh viên Luật mong được trở thành những cán bộ tư pháp như thế, trong đó có tôi.

     Nhưng khi ra trường cuộc sống lại luôn đặt tôi đứng trước những ngã rẽ khác nhau. Về quê xin vào các cơ quan bảo vệ pháp luật không phải là chuyện dễ. Tôi lại là người phải tự chủ về tài chính từ khi mới bước chân vào trường đại học, nên tôi không thể gửi hồ sơ đi khắp nơi rồi ngồi chờ việc, chờ lương để sống. Ngay từ năm thứ ba tôi đã mở Trung tâm gia sư ở Giảng Võ, rồi mở Trung tâm đào tạo tin học và kinh doanh máy tính ở Đê La Thành, sau này có thêm vốn thì mở thêm hai cửa hàng điện thoại lớn ở Kim Mã, vừa bán buôn vừa bán lẻ, khá phát đạt. Việc làm ăn buôn bán ban đầu là để lấy tiền ăn học, chứ ngày ấy chưa nghĩ đến ý niệm trở thành doanh nhân, nhưng khi ra trường, việc kinh doanh cứ kéo tôi đi. Năm 2001, sau khi tốt nghiệp đại học được hai năm, tôi đăng ký thành lập công ty cổ phần đầu tư thương mại chuyên kinh doanh các lĩnh vực điện máy, điện tử, điện thoại, đồ gỗ… Nhưng tôi luôn ý thức rằng tôi là “dân Luật”, và tôi muốn được hành nghề Luật. Tôi dành thêm 2 năm để tích lũy đủ các chứng chỉ cần thiết, khi có thẻ Luật sư tôi thành lập Văn phòng Luật sư SMIC, sau này khi luật thay đổi, cho phép công ty luật cũng được tranh tụng thì tôi chuyển đổi Văn phòng Luật sư này thành Công ty Luật SMIC.

     Mọi người hay nhìn nhận tôi dưới góc độ một doanh nhân, một người làm kinh tế thuần túy, chứ thực ra tôi có cả chục năm hành nghề luật. Tôi tham gia rất nhiều vụ án, tư vấn rất nhiều các vụ việc về kinh tế, dân sự. Cho đến khi Công ty cổ phần đầu tư thương mại chuyển lên tầm cao mới, thành Tập đoàn FLC vào năm 2008, do quá bận rộn tôi mới bớt dần những công việc của nghề luật.

     Cách đây hai năm, phát biểu đầu tiên của tôi về hàng không là “đã làm phải làm lớn luôn, bay là phải rộn ràng, phải hoành tráng, chứ nếu bay mà chỉ hai ba tàu thì nhom nhem, chết ngay”. Khi tuyên bố xong đúng là tôi nghe không ít người doạ, nào là làm hàng không thì "đốt tiền", rồi phải có nhiều nghìn tỷ để đầu tư, riêng chi phí xăng dầu đã chiếm 40%, phá sản như chơi! Tuy nhiên Bamboo Airways ra đời đã hiện thực hoá điều tôi nói. Chỉ trong vòng chưa đến 6 tháng đã đưa số hành khách đạt con số một triệu lượt. Tỷ lệ an toàn tuyệt đối. Tỷ lệ đúng giờ là 93,8%, cao nhất toàn ngành hàng không Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2019. Đó là nhờ có sự chuẩn bị nhiều năm và kỹ càng các khâu mới làm được.

     Trong phát biểu trước báo giới, tôi không kém phần tự hào khi nói rằng, tôi là dân Luật. Mọi thứ đều làm theo luật. Không có khái niệm may mắn ở đây. Tôi chỉ lo quản trị làm sao cho tốt để khi bay là phải chuẩn chỉnh. Mọi thứ đã có lộ trình. Bản thân tôi và FLC là tập hợp của rất nhiều dân luật. Có người còn gọi đùa tổng hành dinh Tập đoàn của tôi là “Hợp tác xã của dân Luật”. Vì thế chúng tôi rất tự tin với lộ trình và kế hoạch của mình. Nghiên cứu kỹ luật pháp rồi mới bắt tay nên không có lý gì lại không làm được. Mọi người nghĩ tôi liều vì một là chưa gặp, hai là chưa nói chuyện, và ba là chưa biết là dân Luật. Chưa gặp nên chưa hiểu được câu chuyện, chưa biết tính cách người học Luật là thế nào. Người ta tự nghi ngờ, tự tạo ra những thông tin để bình luận, chứ bản thân tôi thì không bao giờ liều.

     Tôi cũng có suy nghĩ rằng, để được 5 sao thì con người phải 5 sao trước. Có thể tàu bay chưa được ngay 5 sao, nhưng con người phải chuẩn chỉnh. Vì thế tôi đã chuẩn bị kỹ càng cho mục tiêu 5 sao từ vấn đề con người. Và việc các nhân viên Bamboo Airways có hành động đặc trưng là đặt tay lên ngực trái chào khách chính là biểu hiện đầu tiên của “con người 5 sao” ấy. Một động tác nhỏ nhưng mang lại thông điệp lớn. Không chỉ là sự tri ân với hành khách mà còn là sự truyền tải sự tri ân từ trrái tim đến trái tim. Với cuộc đời này cũng vậy, tôi luôn muốn đặt tay lên ngực trái mình để cám ơn cuộc đời!

     Tôi cũng luôn muốn đặt tay lên ngực trái của mình mỗi khi nghĩ tới các thầy cô, bạn bè và ngôi trường Đại học Luật thân yêu!


FLC NEWS

FLC NEWS

TIN NỔI BẬT