Thứ 3, 20/06/2017Danh hiệu và giải thưởng

Nữ luật sư SMiC: Nghề luật “đau đầu”, nhưng không bao giờ nhàm chán

“Công ty luật SMiC gần như không đầu tư mạnh vào truyền thông, quảng cáo nhưng lượng khách hàng tìm đến ngày càng đông, trong đó hầu hết là do khách hàng cũ giới thiệu”, nữ luật sư Vũ Thị Thu Hường chia sẻ, khi nói về bí quyết để Phòng Tranh tụng trong nước và Hãng SMiC hoàn thành tốt kế hoạch doanh thu quý I.


Chị Vũ Thị Thu Hường - Luật sư Công ty luật SMIC

Xin chào chị Thu Hường, chị có thể chia sẻ cho chúng tôi một phần công việc hàng ngày của chị và Phòng Tranh tụng trong nước tại Hãng luật SMiC là gì?
Cũng như các đồng nghiệp khác tại công ty, công việc hàng ngày của tôi và Phòng tranh Tụng trong nước là gặp gỡ, tiếp xúc khách hàng để nắm bắt yêu cầu của khách; nghiên cứu hồ sơ, tài liệu do khách hàng cung cấp và các tài liệu do chúng tôi tự thu thập; thảo luận, đánh giá về các khía cạnh pháp lý của vụ việc; lập kế hoạch giải quyết vụ việc như giải quyết theo con đường thương lượng, đàm phán hay giải quyết theo con đường tố tụng để tư vấn cho khách hàng; làm việc với tòa án nhân dân các cấp và các cơ quan tiến hành tố tụng khác như cơ quan Công An, Viện kiểm sát hoặc Trung tâm trọng tài (nếu vụ việc được giải quyết tại Trọng tài); tham gia phiên tòa để bào chữa hoặc bảo vệ cho thân chủ…

 


Chị Hường vui vẻ trò chuyện với nhóm TTNB
 

Quả là khối lượng công việc không hề nhỏ. Vậy cơ duyên nào đã gì đưa chị đến với nghề luật và gắn bó với nó đến ngày hôm nay?
Nghề nghiệp của mỗi người cũng là nhân duyên, đầu tiên khi lựa chọn tôi cũng không chọn nghề luật. Nhưng sau đó, khi đã quyết định theo học luật, tôi bắt đầu tìm thấy sự đam mê.
Làm nghề, tôi phải đối mặt, tiếp xúc nhiều với mặt trái của xã hội, với mâu thuẫn, tranh chấp, và bất công… Mỗi vụ việc là một câu chuyện ẩn chứa nhiều mâu thuẫn, uẩn khúc, những điều sau khuất mà không phải khách hàng nào cũng sẵn sàng trải lòng với mình ngay lần đầu gặp mặt.
Một người luật sư thạo nghề phải biết cách đào sâu tìm hiểu được căn nguyên vụ việc, xây dựng được lòng tin với khách hàng, từ đó mới xác định được hướng giải quyết vấn đề.
Tuy công việc đặc thù này hơi “đau đầu”, nhưng không bao giờ nó làm tôi nhàm chán, vì mỗi vụ việc lại có nội dung, tình tiết, diễn biến khác nhau. Quan trọng hơn, sau một lần thành công trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho thân chủ, được thân chủ ghi nhận về những nỗ lực của mình, tôi rất vui và càng thấy gắn bó với nghề hơn.

 


 

Từng xử lý nhiều vụ việc với tình tiết khác nhau, vậy chị có đặc biệt ấn tượng về một vụ việc nào đã từng khiến chị phải trăn trở?
Tôi vẫn nhớ Phòng Tranh tụng của SMiC từng làm việc với một khách hàng doanh nghiệp tại tỉnh Hà Nam. Hồ sơ vụ việc nhận vào thứ Năm, nhưng chỉ 4 ngày sau đó, tức 7h30 sáng thứ Hai đã diễn ra phiên tòa xét xử sơ thẩm.
Giá trị tranh chấp lên tới hơn 2 triệu USD, vụ việc có tình tiết đặc biệt phức tạp do sự việc xảy ra liên quan đến hoạt động mua bán hàng hóa và đầu tư vào Việt Nam của một doanh nghiệp Hàn Quốc, kéo dài từ năm 2013 đến năm 2016.
Như vậy, để nghiên cứu gần 10 file hồ sơ trong một thùng cỡ lỡn mà khách chuyển cho SMiC, chúng tôi chỉ có tròn 72 tiếng đồng hồ, không kể ngày đêm.
Điều đặc biệt trong vụ việc này ở chỗ khách hàng là người nước ngoài, mới mua lại quyền sở hữu công ty sau khi vụ tranh chấp đã được Tòa án Việt Nam thụ lý giải quyết, do vậy, chính khách hàng cũng không nắm được tình tiết của vụ việc. Vừa phải nghiên cứu hồ sơ, chúng tôi vừa phải giải thích cho khách hàng về hồ sơ mà họ cung cấp có ý nghĩa gì, cái nào có lợi, cái nào nên đưa ra trước tòa để chứng minh.
Trong suốt 3 ngày cuối tuần, mặc dù gặp nhiều khó khăn, Phòng Tranh tụng đã cùng nhau tập trung nghiên cứu để đưa ra được những lập luận, tình tiết bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng cho khách hàng.
Tới hơn 2h sáng thứ Hai, chúng tôi mới hoàn thành bản luận cứ để bảo vệ thân chủ, chỉ có hơn 3 tiếng nghỉ ngơi trước khi xuất phát từ Hà Nội đi Hà Nam để kịp tham gia phiên tòa. Kết thúc phiên tòa thành công, khách hàng đã hết mực dành những lời khen, động viên và cảm ơn sự nỗ lực của Phòng Tranh Tụng Công ty luật SMiC.
Kể từ đó, vị khách hàng này đã trở thành một khách hàng thường xuyên của SMiC trong nhiều vụ việc khác, bao gồm cả tư vấn doanh nghiệp, tư vấn giải quyết tranh chấp, đàm phán hợp đồng… hay thậm chí là chia sẻ cả chuyện cá nhân, gia đình. Đây thực sự là động lực để chúng tôi nỗ lực làm việc, hướng đến cung cấp dịch vụ cho khách hàng ngày một tốt hơn.

 

Chị Hường chia sẻ về những trăn trở, những khó khăn trong công việc của mình
 

Là một nữ luật sư, chị thấy điều này có gì thuận lợi hay khó khăn hơn trong việc hành nghề so với các nam đồng nghiệp?
Ngành nghề nào cũng có thuận lợi và khó khăn riêng. Tuy nhiên, ngành luật có một số đặc thù riêng như cung cấp dịch vụ cho khách hàng bất kỳ khi nào phát sinh nhu cầu, không phân biệt giờ làm hay giờ nghỉ. Đối với một người phụ nữ với những thiên chức về gia đình thì đây có thể coi là khó khăn so với các nam đồng nghiệp. Tuy nhiên đổi lại, trong các công việc cần sự khéo léo, cương nhu uyển chuyển như nghề luật, thì các nữ luật sư sẽ có lợi thế hơn các đồng nghiệp nam.
Phương châm hành nghề của chị là gì? Làm mọi cách để giành phần thắng cho khách hàng, hay tìm cách dung hòa để các bên cùng có lợi?
Nhiệm vụ của Luật sư là bảo vệ tối đa quyền lợi của thân chủ theo quy định pháp luật. Với nhiệm vụ đó, người Luật sư phải tìm mọi chứng cứ, quy định, tình tiết có lợi để đảm bảo được lợi ích tốt nhất cho khách hàng. Tuy nhiên, điều này cũng không đồng nghĩa với việc dùng mọi cách, bất chấp quy định pháp luật để bảo vệ quyền lợi khách hàng một cách mù quáng.
Việc thắng hay thua, đôi khi không chỉ dựa vào nội dung một bản án để xác định, mà còn là cả quá trình giải quyết, thời gian, công sức và cái giá phải trả… Vì vậy, trong nhiều trường hợp “kẻ thắng cũng có thể là kẻ thua”.
Với tôi, việc dung hòa lợi ích để hai bên cùng có lợi theo nguyên tắc win – win luôn là lựa chọn hàng đầu. Chỉ trong trường hợp không thể đàm phán, thương lượng được thì mới lựa chọn giải pháp cứng rắn, đương đầu.

 


Nụ cười hạnh phúc của chị Hường khi được làm công việc mà mình yêu thích
 

Với đặc thù của nghề luật sư chỉ có thể “quảng cáo” bằng hình thức truyền miệng qua chính các khách hàng đã sử dụng và hài lòng với dịch vụ thay vì quảng cáo đại chúng, chị có bí quyết gì để đưa Phòng Tranh tụng trong nước và SMiC hoàn thành kế tốt hoạch doanh thu quý I vừa qua?
“Bí quyết” tôi luôn tâm niệm khi làm nghề đó chính là “chất lượng dịch vụ” và sự tận tâm với khách hàng.
Làm việc trong Phòng Tranh tụng tại SMiC, tôi và các đồng nghiệp phải luôn phấn đấu để cung cấp dịch vụ tốt nhất, bảo đảm tối đa quyền lợi và loại trừ rủi ro pháp lý cho khách hàng với mức chi phí hợp lý.
Thực tế đã chứng minh những nỗ lực của các thành viên Công ty luật SMiC trong thời gian vừa qua là không uổng phí. Công ty luật SMiC gần như không đầu tư mạnh vào truyền thông, quảng cáo nhưng lượng khách hàng tìm đến ngày càng đông, trong đó hầu hết là do khách hàng cũ giới thiệu.
Công ty luật SMiC đã hoàn thành tốt Kế hoạch doanh thu quý I vừa qua là kết quả của sự lãnh đạo sáng suốt của Ban giám đốc Công ty cùng với sự phấn đấu không ngừng của các cán bộ công nhân viên. Đối với cá nhân tôi, tôi vô cùng trân trọng sự cộng tác và nỗ lực hết mình vì công việc của các cộng sự trong phòng và của cả Công ty.
Cảm ơn chị Hường đã dành thời gian trò chuyện và chia sẻ về công việc của mình. Chúc chị luôn mạnh khỏe để tiếp tục thực hiện những ước mơ, hoài bão trong tương lai.


FLC NEWS

FLC NEWS

TIN NỔI BẬT